Rối loạn tiền đình được mô tả trong chứng Huyễn vựng. Huyễn vựng là thuật ngữ ghép giữa 2 cụm từ: Mục huyễn và Đầu vựng. Mục huyễn là chỉ hiện tượng hoa mắt như nảy đom đóm, nhìn đồ vật như có màn che…đây là triệu chứng đặc trưng. Đầu vựng là chỉ cảm giác cơ thể hay đồ vật bên ngoài chao đảo, chỗ đứng tròng trành. Hai triệu chứng này thường hay kết hợp với nhau gọi là Huyễn Vựng

NGUYÊN NHÂN

Ngoại cảm phong tà: Phong tính động, chủ thăng, hướng phát lên trên, phong tà hướng ra ngoài, thượng nhiễu ở đầu mắt, cho nên dẫn đến Huyễn Vựng.

Thất tình nội thương: Ức uất thái quá, can mất điều đạt, can uất hóa hỏa hay tức giận thương can, can dương thượng kháng, thượng nhiễu thanh không, phát thành Huyễn Vựng. Lo nghĩ thái quá làm thương tổn đến tỳ vị, nguồn sinh hóa khí huyết bị hao kiệt. Hoặc kinh sợ làm tổn thương đến thận, thận tinh suy hư làm bể tủy mất đi sự dinh dưỡng cũng có thể phát thành Huyễn vựng.

Ẩm thực bất tiết: Ăn nhiều các chất béo ngọt, đói no không điều độ, ăn nhiều thức ăn sống lạnh đều có thể làm tổn thương tỳ vị. Tỳ mất kiện vận, dẫn đến thủy thấp nội đình, ngưng mà thành đàm, đàm ẩm, thủy thấp thương phạm đến thanh khiếu. Hoặc ẩm thực bất tiết, tỳ vị dương hư, nguồn sinh hóa của khí huyết bị ảnh hưởng, thanh khiếu thất dưỡng đều có thể phát sinh chứng Huyễn vựng.

Lao lực quá độ: Gây thương tổn tỳ làm khí huyết bất túc. Hay phòng sự bất tiết, thận tinh khuy hư đều có thể dẫn đến thanh khiếu mất đi sự nuôi dưỡng mà thành Huyễn vựng.

Tuổi cao cơ thể suy yếu: Tinh của thận khí bất túc, tỳ khí cũng không còn xung mãn, nguồn sinh hóa của khí huyết không còn thịnh vượng, thanh khiếu mất sự nuôi dưỡng mà phát thành Huyễn vựng.

Bệnh lâu ngày, mất máu nhiều hay bênh nặng…đều có thể làm tổn thương âm, dương, khí, huyết dẫn đến não tủy mất sự nuôi dưỡng mà phát thành Huyễn vựng. Mất máu lâu ngày, khí huyết hư suy không đưa lên vùng não tủy được, nên dễ dàng phát sinh ra chứng Huyễn vựng.

Do ngã hay sang chấn: Làm vùng đầu bị tổn thương, huyết ứ đình lưu, làm não mạch bị trở tắc phát thành Huyễn vựng.

CƠ CHẾ BỆNH SINH

Phát bệnh: Do bởi ngoại cảm phong tà, tình chí uất ức, ẩm thực bất tiết, sang chấn đều có thể dẫn đến chứng Huyễn vựng…và khi phát bệnh thường cấp tính. Ở những người cao tuổi khí suy, bệnh kéo dài hay mất máu, mất ngủ, đau đầu…đều có thể dẫn đến chứng Huyễn vựng, đa phần là bệnh phát sinh một cách từ từ. Nhưng cũng có khi bệnh kịch phát.

Bệnh vị: Chứng Huyễn vựng bệnh vị là ở Não, nhưng cũng có liên quan tới các tạng tâm, can, tỳ, thận. Trong đó liên quan đến tạng Can là chủ yếu.

Bệnh tính: Khí huyết bất túc, can thận âm hư là bản của bệnh. Phong, hỏa, đàm, ứ là tiêu của bệnh. Trên lâm sàng thường thấy các chứng tiêu – bản và hư – thực khó tách rời nhau.

Bệnh thế: Xu hướng chung thời kỳ đầu của bệnh lấy Phong, Hỏa, Đàm, Ứ - thực chứng làm chủ. Bệnh kéo dài sẽ lần lượt ảnh hưởng tới Can, Tỳ, Thận và cuối cùng dẫn đến Can, Tỳ, Thận hư.

Cơ chế và diễn biến bệnh lý: Chứng Huyễn vựng lấy bản hư, tiêu thực làm chủ. Giai đoạn sớm đa phần là chứng hậu là tiêu thực. Nếu như can dương thượng kháng, đàm trọc trung trở, huyết ứ nội đình, ngoại cảm phong tà…giai đoạn giữa do bởi thận thủy bất túc, can dương thượng kháng, ở những người cao tuổi tinh suy sẽ chuyển hóa thành chứng thận tinh khuy hư hoặc chứng khí huyết bất túc. Cơ chế bệnh sinh sẽ phức tạp, bệnh tình sẽ tương đối nặng và thường dễ phát sinh ra các biến chứng

Nguyên tắc điều trị: bổ hư tả thực, điều hòa âm dương. Từ góc độ âm dương thì bệnh phần nhiều do âm hư dương khang nên phải tư âm tiềm dương.

Đối với thực chứng, đó là do can hỏa, sinh khí nghịch bốc lên đỉnh đầu và gây nên hoa mắt chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai, nôn mửa, thậm chí kèm theo cả những cơn bốc nóng. Cũng có thể là do đờm thấp đình trệ làm khí thanh dương không lên được khiến bệnh phát. Phép chữa theo đó cần hoạt huyết hóa ứ, lợi thấp, khử đờm.

Đối với hư chứng, đó là do can, thận, tâm, tỳ suy yếu. Thận kém không nuôi dưỡng được can huyết, làm cho can dương vượng lên sinh ra những triệu chứng như ù tai, hoa mắt, chóng mặt trong chốc lát hoặc vài tiếng, thậm chí trong vài ngày. Phép chữa theo đó cần phong kiện tỳ khử thấp, hóa đờm, chỉ huyễn trừ vựng.

CÁC THỂ LÂM SÀNG

Thực chứng

Thể can dương thượng kháng

Triệu chứng lâm sàng: Huyễn vựng ù tai, đầu choáng váng và đau, mỗi khi phiền lao hay tức giận thì đầu choáng váng và đau lại tăng lên. Mặt đỏ, gò má đỏ. Tính tình nóng dễ cáu giận, ngủ ít, hay mê, miệng khô đắng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền.

Pháp điều trị: Bình can tiềm dương, thanh hỏa tức phong.

Phương dược: Dùng bài “Thiên ma câu đằng ẩm” gia giảm.

Thành phần:

Thiên ma 8 g                            Câu đằng 8 g      Thạch quyết minh  12 g

Tang ký sinh  12 g                   Đỗ trọng 12 g     Ngưu tất 12 g

Chi tử 8 g                                 Hoàng cầm 8 g   Ích mẫu 12 g

Phục thần  12 g                       Dạ giao đằng 12 g

Thiên ma + Câu đằng + Thạch quyết minh bình Can dương, tức Can phong; Sơn chi + Hoàng cầm tiết Can hỏa; Tang chi + Đỗ trọng + Ngưu tất bổ thận âm, dưỡng can huyết, lại có tác dụng thông lạc; Dạ giao đằng + Phục thần dưỡng huyết, an thần.

Châm cứu:

Châm tả các huyệt 

Bách hội      Thượng tinh                    Thái dương        Ế phong

Suất cốc       Phong trì                           Nội quan 

Trung đô     Hợp cốc                             Thái xung

Châm bổ các huyệt

Túc tam lý   Tam âm giao      Huyết hải            Thận du              Can du

Nhĩ Châm: Tai trong, Huyệt Can, Thận.

Mất ngủ gia: An miên, Nội quan, Thần môn

 Thể đàm trọc trung trở

Triệu chứng lâm sàng: Đầu váng, đi đứng không vững, đầu có cảm giác nặng. Ngực bụng đầy tức mà hay nôn khạc ra đờm dãi. Ăn ít hay ngủ mê, lưỡi bệu, rêu lưỡi dính nhớt hay trắng dày nhờn mà nhuận, mạch hoạt hay huyền hoạt hoặc nhu hoãn.

Pháp điều trị: Táo thấp trừ đàm, kiện tỳ hòa vị.

Phương dược: Dùng bài “Bán hạ bạch truật thiên ma thang” gia giảm.

Đột nhiên ù tai rồi chóng mặt, hoa mắt, có cảm giác như nhà cửa, đồ vật xoay chuyển bắt người bệnh phải nhắm mắt và nằm xuống nếu không sẽ ngã. Thường kèm theo muốn nôn, nôn mửa, mặt nhợt nhạt, ra mồ hôi. Cơn chóng mặt xẩy ra có khi chốc lát, có khi kéo dài mấy tiếng đồng hồ, đôi khi mấy ngày. Nóng khát, bón, nước tiểu vàng, mạch Thực.

Thành phần:

Bán hạ chế 12g                       Bạch linh 12g     Bạch truật 12g

Thiên ma 8g                                           Trần bì 10g                       Cam thảo 4g

Sinh khương 3 lát                   Đại táo 3 quả

Bán hạ, Thiên ma hóa đờm tức phong, trị đau đầu, chóng mặt là chủ dược.Bạch truật, Bạch linh kiện tỳ trừ thấp để tiêu đờm;  Trần bì lý khí hóa đờm. Cam thảo, Sinh khương, Đại táo điều hòa tỳ vị.

Châm cứu:

Châm tả các huyệt 

Bách hội      Thượng tinh                    Thái dương 

Suất cốc       Phong trì                           Nội quan 

Trung đô     Hợp cốc                             Phong long

Châm bổ các huyệt

Túc tam lý   Trung quản                      Thiên khu            

Nhĩ Châm: Huyệt Đởm.  - Giao cảm. - Thần môn.

Thể ứ huyết trở khiếu

Triệu chứng lâm sàng: Khi phát ra Huyễn vựng thường hay tái phát, không khỏi, đầu đau, môi và móng tay, móng chân tím, bên lưỡi và mặt lưỡi có điểm ứ huyết, ban ứ hoặc ban tím. Hay quên, đêm mất ngủ, tâm phiền. Tinh thần mệt mỏi, cho tới bì phu có các ban xuất huyết tím. Mạch huyền sáp hay tế sáp.

Pháp điều trị: Khứ ứ sinh tân, hoạt huyết thông lạc.

Phương dược: Bài thuốc thường dùng “Bổ dương hoàn ngũ thang” gia giảm.

Thành phần:

Sinh hoàng kỳ  16 g  Đương quy vĩ  8 g                          Xích thược  6 g

Địa long 4 g                              Xuyên khung 4 g                            Đào nhân 4 g

Hồng hoa 4 g

Hoàng kỳ dùng sống, lượng nhiều thì lực chuyên mà tính tẩu, đi khắp toàn thân, đại bổ nguyên khí hợp với Quy vĩ, Xích thược, Địa long, Xuyên khung, Đào nhân, Hồng hoa, nhiều vị hoạt huyết khử ứ

Châm cứu:

Châm tả các huyệt 

Bách hội      Thượng tinh                    Thái dương 

Suất cốc       Phong trì                           Nội quan 

Trung đô     Hợp cốc                             Cách du

Châm bổ các huyệt

Túc tam lý   Trung quản                      Thiên khu            Huyết hải

Mất ngủ gia: An miên, Thần môn

Nhĩ Châm: Huyệt Đởm          Huyệt Can          Thần môn.

Hư chứng:

Thể khí huyết lưỡng hư

Triệu chứng lâm sàng: Váng đầu hoa mắt, khi lao lực mệt mỏi thì các triệu chứng lại tăng lên. Đoản khí, tiếng nói nhỏ, tinh thần mệt mỏi ngại nói. Sắc mặt nhợt nhạt, môi khô không tươi, tâm quí, thiếu ngủ, ăn kém. Lưỡi nhợt bệu, cạnh lưỡi có vết hằn răng, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch tế nhược.

Pháp điều trị: Bổ ích khí huyết, kiện vận tỳ vị.

Phương dược: Bài 1: “Thập toàn đại bổ thang” .

Thành phần:

Đảng sâm 12g           Bạch truật          12g                      Bạch linh 12g

Cam thảo 4g                            Thục địa 12g                     Đương qui 12g

Bạch thược 12g        Xuyên khung 8g               Hoàng kỳ 12g

Nhục quế 4g

Đây là bài Bát trân thang (kết hợp Tứ vật thang - gồm Đương quy , Thược dược, Địa hoàng, Xuyên khung với Tứ quân tử thang - gồm Phục linh , Truật, Nhân sâm, Cam thảo) có thêm Quế chi và Hoàng kỳ 

Bài 2: Quy tỳ thang

Thành phần:

Đảng sâm 12g                         Phục thần 12g                  Toan táo nhân sao 12g

Viễn chí 6g                               Hoàng kỳ 12g                   Mộc hương 6g

Bạch truật 12g                        Long nhãn 12g                 Đương qui 12g

Chích thảo 4g                          Đại táo 3 quả

Bài này gồm 2 bài "Tứ quân tử thang" và " Đương qui bổ huyết thang" gia Long nhãn nhục, Toan táo nhân, Viễn chí, Mộc hương, Đại táo là 1 bài thuốc thường dùng để trị chứng tâm tỳ hư tổn. Trong bài:

Sâm Linh Truật Thảo ( Tứ quân) bổ khí kiện tỳ để sinh huyết là chủ dược. Đương qui, Hoàng kỳ bổ khí sinh huyết; Long nhãn, Táo nhân, Viễn chí dưỡng tâm an thần. Mộc hương lý khí ôn tỳ. Sinh khương, Đại táo điều hòa vinh vệ. Các vị thuốc hợp lại có tác dụng ích khí kiện tỳ bổ huyết dưỡng tâm.

Châm cứu:

Châm tả các huyệt 

Bách hội      Thượng tinh                    Thái dương        Ế phong

Suất cốc       Phong trì                           Nội quan 

Châm bổ các huyệt

Túc tam lý   Tam âm giao      Huyết hải            Can du

Quan nguyên            Khí hải  Thần môn

Nhĩ Châm: - Huyệt Tâm         Huyệt Tỳ            Giao cảm            Thần môn.

Thể thận tinh bất túc

Triệu chứng lâm sàng: Đầu váng, mắt hoa, tinh thần mệt mỏi, ngủ ít hay mê, hay quên, ù tai, đau lưng, nam giới di tinh, răng dễ rụng. Nếu nghiêng về âm hư thì gò má đỏ, miệng khô, phiền nhiệt, người gày, lưỡi nhỏ, đỏ, rêu lưỡi ít và sáng, mạch tế sác. Nếu thiên về dương hư thì tay chân không ấm sợ lạnh, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế vô lực.

Pháp điều trị: Bổ thận ích tinh, dưỡng não tủy.

Phương dược: Thiên về âm hư “Tả qui hoàn” gia giảm

Thành phần:

Thục địa 16g             Sơn dược 8g                                   Sơn thù 8g

Thỏ ti tử  8g           Kỷ tử 8g                                Ngưu tất  8g

Lộc giác giao 8g        Cao Quy bản  8g

Bài này từ Lục vị địa hoàng hoàn biến hóa ra không dùng Đan bì lương huyết tả hỏa và Phục linh, Trạch tả khô thấm lợi thủy mà dùng Thỏ ty, Câu kỷ tử bổ ích can thận và cao quy bản, lộc giác giao bổ nhanh tinh huyết, Ngưu tất cường tráng gân cốt nên bài này có tác dụng bổ ích can thận mạnh hơn Lục vị địa hoàng hoàn.

Thiên về dương hư: Hữu quy hoàn gia giảm

Thành phần:

Thục địa 16g             Sơn dược 8g                                   Sơn thù 8g

Thỏ ti tử  8g           Kỷ tử 8g                                Lộc giác giao 8g

Đỗ trọng 12g             Phụ tử chế 4g                   Nhục quế 4g

Đương quy  12g

Bài này từ Phụ quế bát vị hoàn biến hóa đi, tức là lấy Tả quy hoàn làm cơ sở, bỏ ngưu tất, cao Quy bản, gia thêm Phụ tử, Nhục quế, Đương quy, Đỗ trọng. 

Châm cứu:

Châm tả các huyệt 

Bách hội      Thượng tinh                    Thái dương 

Suất cốc       Phong trì                           Nội quan             Hợp cốc                    

Châm bổ các huyệt

Thận du                     Tam âm giao      Mệnh môn         Thái khê               

Nhĩ Châm: Huyệt Can            Huyệt Thận                      Thần môn.

Nếu do hội chứng Ménière: Lên từng cơn dữ dội, tai nghe ù ù và chói, đôi khi hoàn toàn không nghe thấy gì nữa hoặc ngã xuống mà vẫn tỉnh táo.

Bệnh này chủ yếu do phong, thấp quá nhiều, Thận tinh suy kém, Tuỷ hải trống rỗng, trên dưới đều hư.

Phương dược:  Định Huyễn Thang

Thành phần:

Bạch truật 12g                        Trạch tả 16g                                    Phục linh 16g

Cúc hoa 10g                                           Thạch xương bồ 12g       Tang diệp 10g

Câu đằng 12g                          Lá sen 10g                                       Thiên ma 8g

Châm cứu:

Dùng 2 - 4 huyệt quanh tai: Nhĩ môn, Thính cung, Thính hội, Thính huyệt, Hậu thính cung, Hậu thính huyệt, Ế phong, Phong trì…

Và 2 – 4 huyệt ở xa: Khúc trì, Hợp cốc, Túc tam lý, Túc lâm khấp…

Nhĩ châm

+ Tai trong, Thần môn, Chẩm, Vị, Nội tiết, Tâm

CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁC

Xoa bóp:

Xoa: dùng các ngón tay di chuyển luớt trên da nhẹ nhàng theo vòng tròn từ cổ gáy đến vai 2 bên.

Xát nóng da vùng cổ vai 2 bên.

Day: dùng ngón tay cái ấn xuống da rồi di động chậm theo đường tròn từ cổ gáy đến vai bên

Bóp gáy, bóp vai (H.5): dùng ngón cái và các ngón kia ôm lấy khối cơ cổ gáy, cơ vai rồi bóp bằng 4 hoặc 5 ngón, vừa bóp vừa kéo thịt lên

Thực hiện các động tác: phân,  hợp, véo, day, bóp, gõ, chặt vùng đầu mặt cổ

Bấm các huyệt:

Bách hội      Thượng tinh                     Phong trì            Thiên trụ       Thái dương

Giác tôn       Hợp cốc                             Nội quan            Tam âm giao

Thái xung

Liệu trình điều trị - Xoa bóp 15- 30 phút/lần/ngày

Một liệu trình điều trị từ 15 - 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh, có thể điều trị nhiều liệu trình. 

Cấy chỉ:

Phác đồ huyệt 

Bách hội      Thượng tinh                     Thái dương                       Phong trì 

Suất cốc       Trung đô                           Túc tam lý                         Tam âm giao

Huyết hải    Nội quan                           Thái xung                          Can du

Thận du       Hợp cốc

Thủ thuật 

Rửa tay sạch, đi găng tay vô trùng.

Cắt chỉ Catgut thành từng đoạn khoảng 1cm. Luồn chỉ vào nòng kim.

Xác định chính xác huyệt định cấy chỉ. Sát trùng vùng huyệt

Châm kim nhanh qua da và đẩy từ từ tới huyệt.

Đẩy nòng kim để chỉ nằm lại trong huyệt.

Nhẹ nhàng rút kim ra.

Đặt gạc vô trùng lên huyệt vừa cấy chỉ. 

Cố định gạc bằng băng dính. 

Liệu trình điều trị - Mỗi lần cấy chỉ Catgut có tác dụng trong khoảng 20 – 25 ngày. - Sau 20 – 25 ngày cấy chỉ đến khám lại để có chỉ định tiếp theo.

Dược Phẩm Hồi Xuân
Hotline: 0785695999
Dược Phẩm Hồi Xuân Chat FB với chúng tôi
Dược Phẩm Hồi Xuân